Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Sinh viên 'khổ' vì giá điện tăng cao, ai quan tâm?


(Tinmoi.vn) Vừa qua, 01/08, Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện đã có hiệu lực thi hành trong đó quy định việc tăng giá bán điện sinh hoạt, quy định này tạo cơ sở cho hàng loạt chủ trọ tăng mức giá điện lên mức cao ngất ngưởng, sinh viên thuê trọ chỉ biết ngậm ngùi…

Sinh viên 'khổ' vì giá điện tăng cao, ai quan tâm?
Ảnh minh họa (internet)

Giá điện thuê trọ tăng cao do đâu?
Theo thông tin từ VTC: Một khác thuê trọ tại phường Dịch Vọng, Cầu giấy cho biết, vừa nghe tin EVN tăng giá điện, về tới nhà đã thấy chủ nhà dán thông báo, bắt đầu từ đầu tháng 8, giá điện tăng từ 4.000 đồng/số lên 5.000 đồng/số. Bà chủ nhà gải thích thích ở dưới: “Giá điện khu trọ được điều chỉnh tăng theo giá nhà nước”.
Tại các khu có sinh viên, như: Cổ Nhuế, Nhổn, Diễn, Thanh Xuân, Cầu Giấy… giá điện sau khi được các chủ nhà trọ tự động nâng lên dao động trong khoảng 4.500-6.000 đồng/kWh, tăng 500-1.000 đồng/kWh so với trước.
Nguyễn Thị Minh Tân, sinh viên năm 2 trường Dại học Quốc gia Hà Nội , hiện đang trọ tại xóm 6 xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Em mới xuống đây được hai ngày sau kỳ nghỉ hè, chủ nhà đã thấy chủ nhà đi từng phòng thông báo tháng 8 này sẽ tăng giá điện từ 4.000 đồng lên 4.500 đồng/số. Mặc dù không dùng gì nhiều, chỉ thắp điện, nấu cơm nhưng mỗi tháng tiền điện bằng gần 1/3 tiền thuê phòng trọ”.
Thực tế xảy ra ở hầu hết các nhà trọ trong phạm vi Thủ đô. Nguyên nhân do đâu mà giá điện sinh hoạt của sinh viên lại cao như vậy? Trước tiên là do việc chấp hành các quy định của các chủ nhà trọ còn chưa tốt, những chủ nhà cho thuê đa phần đều nắm rõ chính sách của nhà nước nhưng lại làm ngơ và chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất trước mắt. Mặt khác bản thân thuê trọ là sinh viên cũng chưa có ý thức trong việc bảo vệ quyền lợi của mình “thu bao nhiêu, đóng bấy nhiêu”, tranh cãi với chủ nhà lại mất công đi tìm phòng trọ mới với giá điện cũng không thấp hơn là mấy.
Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do phía các cơ quan có thẩm quyền còn chưa thực hiện triệt để việc giám sát vấn đề giá bán điện sinh hoạt hiện hành.
Giá điện đối với sinh viên thuê trọ theo luật
Giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại phụ lục hướng dẫn thực hiện giá bán điện ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 07 năm 2013 của Bộ Công Thương.
Theo quy định của thông tư thì bên bán điện chỉ cần xác lập hợp đồng mua bán điện với chủ nhà. Sau đó chủ nhà cho thuê có trách nhiệm xuất trình sổ đăng ký tạm trú của người thuê nhà. Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú. Cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.
Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với Bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Như vậy, theo quy định, trường hợp có ít nhất 04 người thuê trọ thì nếu chủ trọ đăng kí và xuất trình tạm trú đối với bên bán điện thì sẽ được tính như  một hộ gia đình sử dụng điện và như thế sinh viên sẽ được hưởng giá điện theo giá bán điện sinh hoạt đúng như quy định của pháp luật.
Chẳng hạn Sinh viên sử dụng hết 60 kWh (60 số điện) thì giá điện áp dụng từ tháng 09/2013 được tính là 1.418 đ/KWh (mức 1.418 đ/kWh được quy định tại Điều 11, thông tư 19) cộng với 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Mức này thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà hiện nay các chủ thuê trọ đang áp dụng.

Các cơ quan chức năng cần thiết vào cuộc
Nhìn chung, tất cả các hộ kinh doanh nhà trọ đều biết được thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về giá điện ưu đãi cho sinh viên và người lao động thuê nhà để ở nhưng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Điện lực các cấp cùng với cơ quan quản lý địa phương cần thiết tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá điện tại các nhà trọ theo quy định, và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp chủ thuê nhà không nắm bắt được thông tin về giá bán điện thì bên bán điện cũng như các cơ quan quản lý địa phương cần thiết tiến hành các hình thức phổ biến pháp luật. Đó có thể là tuyên truyền qua hệ thống phát thanh hoặc tổ chức các lớp học phổ biến thông tư 19/2013/TT-BCT ngày 31/07/2013 của Bộ Công Thương và hướng dẫn thực hiện giá bán điện đến từng tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà trọ.
Đối với các trường hợp, biết rõ giá bán điện nhưng vẫn làm ngơ, cố tình làm sai hoặc tiếp tục tái diễn phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các chế tài buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đảm bảo việc đăng kí tạm trú của sinh viên để có cơ sở cho việc được hưởng chính sách ưu đãi từ giá điện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét